|
-
Tôi tham gia kháng chiến từ trước năm 1975, bị thương tật (tỷ lệ 25%), vậy tôi có được hưởng chế độ hỗ trợ nào không?
Trương Bính(truongbinh@gmail.com) - Xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận
Trả lời :
Nội dung ông Trương Bính hỏi được quy định tại Điều 20 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29/6/2005 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Điều 31 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
Đối chiếu với các quy định trên, nếu ông Bính tham gia kháng chiến chống Mỹ và đã được các cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận thương tật (tỷ lệ thương tật 25%) thì được hưởng các chế độ ưu đãi như sau:
- Trợ cấp hàng tháng.
- Bảo hiểm y tế.
- Điều dưỡng phục hồi sức khoẻ (2 năm 1 lần).
- Hỗ trợ về nhà ở (nếu có khó khăn về nhà ở)….
Đề nghị ông Bính mang toàn bộ hồ sơ, các giấy tờ cá nhân có liên quan trực tiếp đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận hoặc Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Ninh Phước hoặc UBND xã Phước Vinh để được trả lời cụ thể.
|
-
Chú của tôi được hưởng trợ cấp hằng tháng dành cho người cao tuổi, chú tôi mất tháng 3/2017 và gia đình được trợ cấp mai táng phí. Năm 2018, chú tôi được truy tặng Huân chương kháng chiến. Vậy, gia đình của chú tôi có được hưởng trợ cấp một lần hay truy lĩnh phần chênh lệch mai táng phí giữa đối tượng bảo trợ xã hội và người có công không?
Trần Mạnh Hưng(manhhung@gmail.com) - Nam Định
Trả lời :
Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng hiện hành và Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ chưa quy định giải quyết chế độ trợ cấp một lần và mai táng phí đối với người được truy tặng Huân chương kháng chiến.
|
-
Tôi tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ từ tháng 5/1971 đến tháng 9/1977, bị mắc bệnh về thần kinh 15 năm nay, hiện dùng thuốc do bệnh viện tâm thần phát hằng tháng. Vậy, tôi có được hưởng chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học không? Nếu muốn được hưởng thì cần làm những thủ tục gì?
Vũ Ngọc Tênh(vungoctenh@gmail.com) - TP. Hà Nội
Trả lời :
Điều 39 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định về điều kiện xác nhận đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học: Đã công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ ngày 1/8/1961 đến 30/4/1975 tại các vùng mà quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hóa học ở chiến trường B, C, K (kể cả 10 xã: Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Tân, Vĩnh Thành, Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn và Vĩnh Thủy thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).
Do nhiễm chất độc hóa học dẫn đến một trong các trường hợp bệnh tật sau: Mắc bệnh theo danh mục bệnh tật do Bộ Y tế quy định làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên; vô sinh; sinh con dị dạng, dị tật theo danh mục dị dạng, dị tật do Bộ Y tế quy định.
Các giấy tờ, quy trình xác lập hồ sơ được quy định tại Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 và Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30/7/2014 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Trường hợp của ông nếu có đủ điều kiện và các giấy tờ theo quy định nêu trên thì liên hệ với cơ quan Lao động-Thương binh và Xã hội ở địa phương để được xem xét hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền.
|
-
Ông nội của tôi đã chết, ông có 5 người con trong đó có 2 người con là liệt sĩ, đều không có vợ, con. Tháng 1/2015 bà nội của tôi được truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng", bố đẻ của tôi thờ cúng bà nội tôi từ năm 1975 đến tháng 8/2013 thì chết, anh trai của tôi tiếp tục thờ cúng đến nay. Năm 2015 người bác thứ tư của tôi không thờ cúng bà nội nhưng làm thủ tục khai hưởng khoản tiền trợ cấp một lần và hiện vật khen thưởng của bà nội bà mà không có sự thỏa thuận của gia đình tôi và cũng không yêu cầu gia đình tôi cung cấp giấy chứng tử của bố bà. Như vậy là đúng hay sai? Hiện người bác thứ tư của tôi đã chết, anh trai tôi vẫn thờ cúng bà nội thì ai là người hưởng các chế độ của Bà mẹ Việt Nam anh hùng?
Trần Thị Vũ(vutt@yahoo.com) - TPHCM
Trả lời :
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời vấn đề này như sau:
Theo quy định tại khoản 5, Điều 4 Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BNV-BQP-BLĐTBXH ngày 10/10/2014 của Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Đối với bà mẹ được truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thì khoản tiền một lần và hiện vật khen thưởng được trao cho người chồng; nếu người chồng đã từ trần thì trao cho con hoặc vợ liệt sĩ thường xuyên giữ trách nhiệm thờ cúng bà mẹ; trường hợp bà mẹ không còn chồng, con thì trao cho người thân gần nhất chịu trách nhiệm thờ cúng, chăm sóc phần mộ của bà mẹ, theo đề nghị bằng văn bản của chính quyền cấp xã nơi bà mẹ cư trú khi còn sống.
Theo đó, Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn con thì người con sẽ nhận khoản tiền trợ cấp một lần và hiện vật khen thưởng.
Theo quy định hiện hành, không quy định chế độ thờ cúng đối với “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Do đó, không có căn cứ để xem xét giải quyết chế độ đối với anh trai của bà.
|
-
Xin hỏi. Bố tôi sinh 1963, Bố tôi có đi chiến trường campuchia và bị thương, hiện tại còn rất nhiều mảnh đạn ở trong người. Nhưng do ngày hoàn thành nhiệm vụ về với gia đình bị mất hết giấy tờ thương binh, mất hết giấy giám định của đợn vị cấp. Giờ ko được hưởng chế độ thương binh nào. Vậy cho tôi hỏi, Bố tôi cần làm những thủ tục gì, cần những loại giấy tờ gì để được hưởng chế độ thương binh. Dạo gần đây bố tôi có tuổi nên chỗ các mảnh đạn bắt đầu đâu nhức. Rất mong quý cơ quan phản hồi giúp t để t có thể làm chế độ cho Bố tôi. Tôi xin cảm ơn.
Nguyễn văn hải(Vanhai87adongcorp@gmail.com) - HH3B linh đàm , hoàng mai,HN
Trả lời :
Hiện nay, việc xác nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh được thực hiện theo Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Thông tư liên tịch số 28/2013/TT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Quốc phòng. Trường hợp đến nay không còn giấy tờ căn cứ xem xét xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh được thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 28/2013/TT-BLĐTBXH-BQP. Theo đó, người bị thương nếu có đủ căn cứ sau đây cũng được xem xét:
Căn cứ chứng minh quá trình tham gia cách mạng: Người tham gia cách mạng sau đó thoát ly tham gia công tác tại các cơ quan nhà nước phải có một trong các giấy tờ sau: Lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên, lý lịch quân nhân, lý lịch công an nhân dân, quyết định phục viên xuất ngũ, thôi việc, hồ sơ bảo hiểm xã hội hoặc các giấy tờ tài liệu có giá trị pháp lý lập từ ngày 31/12/1994 trở về trước hoặc đã được hưởng trợ cấp theo các quyết định số 47/2002/QĐ-TTg ngày 11/4/2002; Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2005, Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008; Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011; Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010; Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011.
Người hoạt động không thoát ly và sau đó không tiếp tục tham gia công tác tại các cơ quan nhà nước thì phải có bản khai chi tiết quá trình tham gia cách mạng, có xác nhận của uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú.
Căn cứ chứng minh bị thương trong chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu: Giấy tờ có ghi sức ép hoặc chấn thương, danh sách quân nhân bị thương (hoặc người bị thương) của cơ quan, đơn vị quản lý đối tượng khi bị thương có ghi tên cá nhân bị thương; giấy tờ, tài liệu của cơ quan, đơn vị lập từ ngày 31/12/1994 trở về trước có ghi nhận cá nhân bị thương khi tham gia chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu.
Đối chiếu với các tiêu chuẩn nêu trên, nếu đủ điều kiện xem xét theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 28/2013/TT-BLĐTBXH-BQP, đề nghị bà Hồng liên hệ trực tiếp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương hoặc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh nơi cư trú để được hướng dẫn cụ thể theo thẩm quyền.
|
|
|
|
|
|
|